Chiếc đồng hồ: tuyệt tác của thời gian

Một chiếc đồng hồ chứa hơn 2.800 bộ phận. Một mẫu vòng cổ đính 2.000 viên đá quý. Những thiết kế được tạo ra để kỷ niệm một hành trình bất tận của các nhà chế tác kim hoàn và đồng hồ lâu đời luôn là những kiệt tác vang danh bởi sự kì công và xa hoa.
Từ thương hiệu Chopard đến Cartier, từ Patek Philippe đến Girard-Perregaux, không một nhà chế tác nào không kỷ niệm một chặng đường thế kỷ thăng trầm bằng những tuyệt tác hoành tráng, hội tụ tinh hoa thương hiệu. Nếu các thương hiệu đồng hồ dùng những cỗ máy thời gian siêu phức tạp như một bức phù điêu để khắc tạc tay nghề chế tác điêu luyện qua hàng trăm năm, các nhà kim hoàn lại dùng sự trù phú của đá quý như một ngôn ngữ để viết nên cuốn biên niên sử cho một vương triều phù phiếm.
1.Tiếp nối sự phù phiếm
Mỗi bộ sưu tập kỷ niệm không đơn thuần là từng món trang sức xa xỉ hợp lại, nếu biết lắng nghe, người chiêm ngưỡng có thể nghe thấy một câu chuyện thú vị được kể bằng ngôn ngữ của đá quý và tinh hoa truyền đời.
Nếu Bulgari khiến người ta liên tưởng đến họa tiết mãng xà Serpenti thì Cartier luôn là chiến binh oai hùng trong hình ảnh chú báo gấm trứ danh. Báo gấm là “sự tự do, sự hòa quyện giữa nét nữ tínhthanh lịch với một chút hoang dã và nguy hiểm”. Đó là câu nói của Pierre Rainero, Giám đốc Hình ảnh đương nhiệm của Cartier về mô típ da báo gấm trên mẫu đồng hồ đeo tay lần đầu được giới thiệu vào năm 1914. Chú báo gấm mà Jeanne Toussaint, nàng thơ của Louis Cartier nhìn thấy trong một chuyến tham quan châu Phi vào đầu thập niên 1910 đã trở thành nguồn cảm hứng xuyên suốt trong tất cả bộ sưu tập của Cartier hàng trăm năm qua. Và bộ sưu tập Panthère de Cartier kỷ niệm 100 năm biểu tượng báo gấm ra mắt năm 2014 đã tái hiện lại 56 sắc thái biểu cảm của chú báo từ thư thả đến oai hùng hay mãnh liệt bằng 56 mẫu thiết kế. Chất liệu chủ yếu tạo nên “đàn báo gấm” Panthère de Cartier là vàng, bạch kim, ngọc lục bảo và kim cương. Mỗi thiết kế được tạo nên từ hàng trăm giờ chế tác đã tái hiện lại đầy đủ từng cuộc hành trình của chú báo gấm Cartier.
Ngược lại với Cartier, Chopard không đặc biệt ưu ái một loài vật nào. Từ khi thành lập thương hiệu vào năm 1860, nhà kim hoàn bậc nhất Thụy Sỹ này lại lấy vẻ đẹp của “Vương quốc muôn loài” làm cảm hứng sáng tạo chủ đạo. Trong kỷ niệm 150 năm ngày thành lập thương hiệu vào năm 2010, Chopard đã vén màn giới thiệu, Animal World, bộ sưu tập gồm 150 mẫu thiết kế mang hình ảnh của các loài động vật. Để tạo nên một thế giới muông thú độc nhất vô nhị này, Giám đốc Nghệ thuật Caroline Gruosi-Scheufele đã huy động toàn bộ đội ngũ thiết kế và các nghệ nhân chế tác lao động trong một năm dài để tạo nên những kỳ quan tráng lệ. Nổi bật trong Animal World là mẫu vòng cổ Clownfish. Trải qua 750 giờ chế tác, 2.160 viên đá quý đa dạng từ kim cương, sapphire đến đá mặt trăng hay đá tourmaline Paraiba đã vẽ nên một đàn cá hề đang vui đùa trong rạn san hô.
Tiếp nối bản trường ca của Nghệ nhân dệt giấc mơ – L’Artisan du Rêve, bộ sưu tập Hôtel de la Lumière ra mắt vào năm 2013 mang sứ mệnh đánh dấu hành trình hơn 120 năm từ năm 1893 như nguồn sáng soi rọi một kỷ nguyên mới của Boucheron. Tám thiết kế trong bộ sưu tập Hôtel de la Lumière đại diện cho tám mặt của quảng trường Place Vendôme, tám hành tinh trong hệ Mặt Trời. Tuy không thừa kế cảm hứng sáng tạo biểu trưng nhưng tia sáng Hôtel de la Lumière được thắp nên từ nghệ thuật chế tác của bộ sưu tập chủ đạo L’Artisan du Rêve của nhà kim hoàn nước Pháp. Mỗi mẫu trang sức từ Paon de Lune, Halo Delilah đến Goutte de Lumière tỏa một tia sáng riêng. Nguồn sáng rực rỡ nhất của Boucheron là chiếc vòng cổ Soleil Radiant đặc tả hàng ngàn tia sáng từ vầng thái dương giống với mô típ Mặt Trời thời vua Louis thứ 14, vị vua được mệnh danh là Sun King .
2.Bước tiếp cuộc hành trình
Đối với ngành chế tác đồng hồ cao cấp, tinh hoa và những niềm đam mê phù phiếm không nằm ở các thiết kế xa hoa bên ngoài mà ẩn trong bộ máy chuyển động cơ học cầu kỳ. Mỗi cỗ máy thời gian được tạo ra nhằm kỷ niệm ngày thành lập của nhà chế tác không đơn thuần là một lời chúc mừng mà còn là sự thách thức cho các hãng đồng hồ khác.
27 năm về trước, vào năm 1989, gã khổng lồ của ngành đồng hồ cơ Patek Philippe kỷ niệm 150 năm từ ngày người sáng lập Antoine Norbert de Patek bắt đầu chế tạo chiếc đồng hồ bỏ túi đầu tiên cho hãng. Vào lần kỷ niệm này, bất chấp cuộc khủng hoảng bởi sự ra đời của đồng hồ Quartz, Patek Philippe đã tung ra mẫu đồng hồ chứa bộ máy Calibre 89. Bộ máy cơ học cầm tay này có 33 chi tiết cấu thành và được chế tạo trong 9 năm. Đến năm 2015, một siêu phẩm khác của nhà Patek tiếp tục được ra mắt để kỷ niệm hành trình 175 năm. Tiếp nối kỷ lục về, sự phức tạp của bộ máy Calibre 89, mẫu đồng hồ Grandmaster Chime Reference 5175R trong bộ sưu tập 175 năm này có 5 cơ chế chuông báo giờ, 20 chức năng phụ và được tạo thành từ 1.580 chi tiết. Với bộ vỏ bằng vàng 18K sang trọng và chỉ có 7 chiếc được sản xuất, Grandmaster Chime Reference 5175R có mức giá là 2,5 triệu franc Thụy Sỹ, tương đương 2,59 triệu đô-la Mỹ.
Nếu xét về sự cầu kỳ thì chắc hẳn món quà sinh nhật La Esmeralda Tourbillon mừng thương hiệu Girard-Perregaux tròn 225 tuổi vào tháng 3 vừa qua sẽ không thể sánh bằng Grandmaster Chime Reference 5175R của Patek Philippe. Tuy nhiên, La Esmeralda Tourbillon là bảo chứng đầy ý nghĩa cho trang sử huy hoàng hai thế kỷ của nhà Girard-Perregaux. Tên gọi Esmeralda bắt nguồn từ cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này ở Paris kết hợp bộ khung chuyển động ba cầu huyền thoại từng giành huy chương vàng tại Hội chợ Universal Paris năm 1889 đã tạo nên một kiệt tác để đời trong ngành đồng hồ. Ba cầu nối với trụ lò xo, bánh răng, bộ chuyển động của mẫu đồng hồ này làm từ vàng nguyên khối. Sáu thanh mũi tên và 3 que nối được đánh bóng và lắp ráp thủ công. Tần số dao động 21.600 nhịp mỗi giờ và bộ máy Calibre GP09400 dự trữ năng lượng trong 60 giờ đã khiến La Esmeralda Tourbillon trở thành một bảo vật cực hiếm của nhà Girard-Perregaux.
Nếu Calibre 89 là lời thách thức của Patek Philippe trong ngành đồng hồ cơ siêu phức tạp thì chắc hẳn chỉ có Reference 57260 từ nhà Vacheron Constantin mới là đối thủ xứng tầm dám chấp nhận lời thách thức đó. Là một món quà kỷ niệm để tưởng nhớ di sản trăm năm, Vacheron Constantin Reference 57260 được trình làng vào đúng ngày 17/9/2015, ngày mà 260 nămm về trước, Jean-Marc Vacheron đã chế tạo mẫu đồng hồ đầu tiên của hãng. Vacheron Constantin Reference 57260 khiến giới mộ điệu bất ngờ với 57 chức năng phụ được tích hợp trong một chiếc đồng hồ bỏ túi nặng 957g. Ngay cả CEO Juan-Carlos Torres của Vacheron Constantin cũng nói đùa rằng chỉ có chiếc túi của kangaroo mới có thể chịu đựng được sức nặng của mẫu đồng hồ này. Với 2.826 bộ phận, 31 chiếc kim và 8 năm chế tác, Vacheron Constantin Reference 57260 đã đẩy tiêu chuẩn về sự chính xác của thế giới đồng hồ lên tầm cao mới và ghi tên mình vào vị trí quán quân của những chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế kỷ 21 cho đến thời điểm này.
Bản sắc là yếu tố sống còn của bất kỳ thương hiệu nào. Dẫu biết trăm năm là hữu hạn nhưng một thương hiệu chế tác trường tồn qua cả thế kỷ mà vẫn được người đời ngợi ca là cả một quá trình cống hiến nhằm giữ gìn bản sắc của biết bao hậu nhân cho vương triều ấy. Từ đó, những bộ sưu tập kỉ niệm được ra đời là bảo chứng cho công lao của các bậc tiền nhân, sống dậy niềm đam mê của thế hệ tiếp nối và nhắc người đời về di sản đáng tự hào của thương hiệu.
End of content
No more pages to load