Tín đồ hoài cổ

Đam mê đồng hồ ngay từ khi còn nhỏ, kỹ sư Khoa học Máy tính Đinh Ngọc Thái là một tín đồ của những thiết kế hoài cổ. Dù chỉ sở hữu một bộ sưu tập nhỏ bé, nhưng mỗi chiếc đồng hồ đều có một sự gắn kết đặc biệt với anh.
Anh bắt đầu với niềm đam mê đồng hồ của mình như thế nào?
Thực sự rất khó để mình xác định được chính xác thời điểm mình bắt đầu yêu thích đồng hồ là từ khi nào. Mình chỉ nhớ là ngày bé mỗi khi có thành tích gì trong học tập, bố mẹ hay hỏi mình muốn được thưởng gì, và câu trả lời của mình luôn luôn là đồng hồ. Kể cả khi theo dõi những bộ phim thì điều mà mình để ý nhiều nhất từ các nhân vật không phải là quần áo, điện thoại, máy tính, mà chính là chiếc đồng hồ mà nhân vật đó đeo. Mặc dù thú thực là lúc bé mình không phân biệt được các dòng sản phẩm hay các hãng đồng hồ danh tiếng. Mình chỉ mới thực sự tìm hiểu về thế giới đồng hồ cơ học trong khoảng 18 tháng gần đây.
Lúc bắt đầu chơi đồng hồ, niềm đam mê của anh với các cỗ máy cơ khí đã lớn chưa?
Tạm tính mốc thời điểm 18 tháng trước khi mình bắt đầu tìm hiểu về đồng hồ cơ học - thời điểm mình bắt đầu nghiêm túc “chơi đồng hồ” - lúc đó niềm đam mê của mình đã tương đối lớn rồi. Vài ba năm trước khi mình còn đi học, hay xa hơn nữa là khi bé thì mình chỉ quan tâm đến hình thức của đồng hồ thôi. Từ khi biết về cách vận hành của những cỗ máy thời gian chạy bằng lò xo và hệ thống bánh răng truyền lực thì đó thực sự là khoảnh khắc ngỡ ngàng đối với mình. Nó như một sự cộng hưởng với những sự thích thú thơ ngây lúc bé để tạo nên một niềm đam mê mãnh liệt. Mình là dân kỹ thuật và cũng có chút hoài cổ nên rất dễ để yêu đồng hồ cơ học.
Anh nghĩ sao về những chiếc đồng hồ được trang trí bằng đá quý?
Theo mình sự kết hợp giữa đồng hồ và đá quý là một sự kết hợp thú vị. Mình nghĩ đồng hồ và đá quý có nhiều điểm chung, như yêu cầu sự tinh xảo trong xử lý chẳng hạn. Từ xưa các hãng đồng hồ đã sử dụng kim loại quý để làm cọc số. Vì vậy theo mình, việc sử dụng kim cương thay cho vàng trắng là một bước phát triển phù hợp. Gần đây nhiều hãng cũng tích hợp đá quý lên niềng bezel. Những sự kết hợp như vậy rõ ràng sẽ kéo nhiều người yêu mến kim cương đến với đồng hồ hơn. Tuy nhiên ở chiều ngược lại, những người yêu đồng hồ có chút hoài cổ như mình có thể sẽ không thích sự hào nhoáng hơi quá mức của những chiếc đồng hồ đính kim cương. Tuy nhiên với rất nhiều người chơi đồng hồ, mình nghĩ sự kết hợp này sẽ tạo nên nhiều sự thích thú.
Hãy kể về BST đồng hồ của anh?
18 tháng chưa phải là một quãng thời gian quá dài nên mình chỉ dám nhận là người đam mê đồng hồ thôi chứ chưa dám nhận là nhà sưu tập đồng hồ. Mình vẫn đang trong giai đoạn định hình của đam mê nên “bộ sưu tập” của mình cũng thay đổi nhiều theo thời gian. Hiện tại mình cố giữ cho bộ sưu tập nhỏ thôi, chỉ có 4 chiếc, để có nhiều thời gian gắn kết với từng chiếc đồng hồ. Mình là dân văn phòng nhưng cũng rất yêu thể thao nên thường chọn những chiếc đồng hồ có phong cách thể thao, nhưng cũng đủ lịch sự trong môi trường công sở.
Đâu là chiếc đồng hồ được anh yêu thích nhất trong 4 chiếc đó?
Chiếc đồng yêu thích nhất trong số những chiếc mà mình đang sở hữu là đồng hồ bấm giờ thể thao (chronograph) chạy pin của hãng Seiko. Đây là chiếc đồng hồ “nghiêm túc” thứ hai mà mình có. Sở dĩ mình nói nghiêm túc là vì khi bé mình thường chỉ đeo những chiếc đồng hồ Casio mặt số chứ không đeo đồng hồ có kim. Ngày mình vào đại học và may mắn được đi học xa ở chân trời nhiều hoài bão, bố mình đã tặng cho mình một chiếc đồng hồ bấm giờ, dây cao su đen của hãng Seiko. Đó là chiếc đồng hồ nghiêm túc đầu tiên mà mình có. Mình đã rất yêu quý nó và đeo nó mỗi ngày, dù là trong lúc vượt dãy núi Rocky Mountain ở Colorado hay lúc được vinh danh sinh viên tiêu biểu ở các giải thưởng lớn nhỏ trong trường. Cho đến một hôm dây cao su theo thời gian bị đứt. Mình đi học xa nên gửi về Việt Nam nhờ bố thay dây kim loại cho bền. Khi nhận lại thì mình nhận được một chiếc đồng hồ mới nguyên, trông y như chiếc cũ, nhưng đi với dây kim loại. Mình đã rất ngạc nhiên và gọi điện về hỏi bố. Khi ấy bố chỉ bảo là bố thấy chiếc kia cũ quá rồi nên mua cho mình chiếc mới. Thực sự lúc đó mình đã rất hạnh phúc và xúc động. Chiếc đồng hồ Seiko dây kim loại thứ hai được bố tặng đã theo mình trong suốt chặng đường học tập và nghiên cứu khoa học sau này. Đến giờ dù mình đã ít đeo hơn nhưng đó vẫn là chiếc đồng hồ mà mình yêu quý nhất. Tiếc là chiếc đồng hồ dây cao cu đầu tiên gửi về, bố mình thấy cũ quá đã vứt đi rồi. Nếu không chắc mình đã có 2 chiếc đồng hồ yêu thích đồng hạng nhất.
Đồng hồ có có phải là trợ thủ đắc lực của anh trong công việc?
Thú thực là trong công việc thì không, nhưng trong cuộc sống thì có. Mình hay sử dụng niềng bezel của chiếc đồng hồ thợ lặn để đo giờ trong những khoảng thời gian ngắn như trong lúc đợi bàn ở nhà hàng, hay sử dụng chức năng bấm giờ thể thao để đo thời gian hoàn thành đường chạy Marathon.
Ngoài sưu tâp đồng hồ, anh còn thể hiện niềm đam mê với đồng hồ qua hoạt động nào khác không?
Mình hay theo dõi các diễn đàn về đồng hồ trong và ngoài nước để cập nhật tin tức và trau dồi thêm kiến thức. Mình cũng rất thích theo dõi các kênh youtube liên quan đến đồng hồ để xem đánh giá trước khi mua sản phẩm. Trước đây thì mình chưa biết nhiều về cộng đồng các anh chị sưu tập đồng hồ ở Việt Nam. Nhưng kể từ khi biết và làm quen với nhiều anh chị thì mình đã được giúp đỡ rất nhiều, từ việc đưa ra lời khuyên, nhận định, đến việc mời mình tham gia các hoạt động ofline để chia sẻ kiến thức. Mình thấy cộng đồng ở Việt Nam rất vui và nhiệt tình.
Thông tin thêm: Đinh Ngọc Thái là Thạc Sỹ Khoa Học Máy Tính ở đại học University of Wisconsin-Madison, Hoa Kỳ. Anh có nhiều năm nghiên cứu về thuật toán trí tuệ nhân tạo, và đã từng đảm nhận vị trí nghiên cứu tại hai trong số những viện nghiên cứu quốc gia lớn nhất Hoa Kỳ. Anh cũng có nhiều năm gắn bó với các công ty khởi nghiệp công nghệ, bao gồm một công ty đã được mua lại bởi một tập đoàn lớn của Mỹ, và một công ty vừa gọi vốn vòng Series A thành công với mức đầu tư hơn 10 triệu USD. Ngoài đam mê về đồng hồ, anh còn rất quan tâm đến những sản phẩm công nghệ liên quan đến trí tuệ nhân tạo như xe tự lái hay thành phố thông minh.
Bài: Tây Phạm
End of content
No more pages to load