Từ thất bại tới huyền thoại

Chiếc đồng hồ chronograph nổi tiếng nhất thế giới hoàn toàn có thể có một lịch sử đầy thăng trầm…
Trong lịch sử của Rolex, có một kỷ lục gây sốc trên toàn thế giới được ghi vào ngày 26 tháng 10 năm 2017. Một chiếc Daytona ref. 6239 cổ điển từng thuộc về diễn viên nổi tiếng Paul Newman đã được bán với giá kỷ lục là 17,75 triệu USD sau ba tiếng gõ quyết định trong một phiên đấu giá tại nhà đấu Phillips. Cho tới tận thời điểm này, đây vẫn là chiếc đồng hồ có đắt nhất thế giới được đem đấu giá, vượt xa mức giá 11,1 triệu USD của chiếc Patek Philippe ref. 518 vào năm 2016. Thế nhưng, khó có thể tin được, những chiếc đồng hồ chronograph nổi tiếng nhất thế giới của Rolex lại từng trải qua những tháng ngày đầy thăng trầm biến động.
Daytona ref. 6239 từng thuộc về diễn viên nổi tiếng Paul Newman là chiếc đồng hồ được bán đấu giá đắt nhất thế giới cho đến thời điểm này (17,75 triệu USD)
Rolex bắt đầu sản xuất những chiếc đồng hồ chronographs từ rất lâu dưới những cái tên như Cosmograph hay Daytona. Vào những năm 1930s, những chiếc đồng hồ thuộc dạng siêu hiếm là Zerographe ref. 3346 đã được Rolex sản xuất, với phần máy nhập từ một hãng thứ ba và không sử dụng những bộ vỏ Oyster trứ danh. Mãi đến năm 1939, chiếc chronograph đầu tiên sử dụng vỏ Oyster đã ra đời với sản phẩm ref. 3525. Tuy không được nhắc đến trong các tài liệu về dòng Daytona trước đây, nhưng có một sự thật mà Rolex không thể phủ nhận, đó là hãng đã sản xuất ra những chiếc đồng hồ dùng để bán cho các tù binh phe Đồng Minh trong Thế chiến thứ 2, và đặc biệt ref. 3525 lại từng xuất hiện trên tay của một phi công RAF trong chiến dịch “Cuộc tẩu thoát vĩ đại”.
Vào những năm 1955, cụm từ “chronograph” đã được thêm vào mặt số của những chiếc đồng hồ ref. 6234. Chỉ có 500 chiếc được sản xuất, bởi khi so sánh với các tên tuổi cùng khoảng thời gian đó như GMT-Master, Submariner và Explorer thì những chiếc Chronographs Oyster hay thậm chí bất kì chiếc đồng hồ có chức năng đếm giờ nào trên thị trường vào thời điểm đó đều chưa tìm được chỗ đứng cho mình. Chỉ mãi đến khi Jack Heuer sử dụng chúng trong các giải đua công thức một thì người ta mới đặt cho chúng cái tên “đồng hồ của những tay đua”.
Thay vì tiếp tục trên những đường đua, Rolex lại muốn đem thương hiệu của mình lên mặt trăng. Với tên gọi “Cosmograph” vào năm 1953 được sử dụng cho mục đích làm nên thương hiệu cho dòng moon-phase của mình, Rolex đã quyết định sử dụng cái tên này trong suốt một khoảng thời gian dài. Tuy nhiên, Omega mới là cái tên được NASA chọn, dòng Speedmaster của hãng này đã dành được lấy thị phần và đẩy Rolex về lại với xe cộ.
Đến giữa năm 1964, hãng bắt đầu gặp những khó khăn. Cosmograph dần được gọi là “Le Mans” (sau chặng đua 24h tại Pháp), hãng đã quyết định đổi tên cho chiếc Cosmograph ref. 6239 của mình là Daytona bởi chính Rolex phụ trách đo thời gian cho các cuộc đua ở bãi biển Daytona vào năm 1962, ngoài ra còn có ông “vua tốc độ” Sir Malcolm Campell đã dần khẳng định vị thế của hãng khi đeo trên mình chiếc Oyster thể thao.
Paul Newman
Bạn có tin không thì tuỳ, nhưng sự kiện này không đủ đẩy Daytona trở thành “nhân vật nổi tiếng” trong giới đồng hồ. Giờ đây, các thương hiệu như Breitling, Heuer và Zenith đã thống trị thị trường chronograph. Nhất là khi Rolex cho ra mắt phiên bản Exotic-Dial Cosmograph Daytona với mặt chữ số theo phong cách Art Deco, màu mè hơn, kèm theo những đường nét kỳ lạ. Ngay cả số ít những người yêu thích Daytona cũng cho rằng phiên bản funky này thật sự ngớ ngẩn.
Lội ngược dòng ngoạn mục
Điều gì đã khiến Daytona trở thành huyền thoại? Chính là nhờ một diễn viên ngôi sao. Chiếc đồng hồ ref. 6239 của Paul Newman là món quà mà vợ ông - Joanne Woodward tặng vào năm 1968, và bà có ghi dòng chữ “Drive Carefully Me” ở nắp lưng của vỏ đồng hồ để nhắc nhở người chồng “quái xế” của mình. Ông đã đeo nó thường xuyên, và sau nhiều năm, các nhà sưu tập đã đặt biệt danh cho tất cả dòng đồng hồ Exotic-Dial Daytona này là Paul Newman. Và lần đầu tiên, dòng đồng hồ không thể bán được của Rolex lại được ưa thích đến độ cực khó sở hữu, bởi trước đó, vì không ai muốn mua nên nó được sản xuất rất ít.
Phải mất một khoảng thời gian không nhỏ để Daytona có được vị trí xứng tầm, từ một sản phẩm bị chối bỏ trở thành một biểu tượng
Sau cuộc khủng hoảng thạch anh, đồng hồ cơ khí bắt đầu được coi là một mặt hàng xa xỉ chứ không đơn thuần là sản phẩm phục vụ nhu cầu thông thường. Rolex đã nhanh chóng nhận ra và nắm bắt cơ hội này. Lần đầu tiên hãng cho ra mắt dòng đồng hồ Self-winding Daytona (đồng hồ tự lên dây, hoạt động bằng chuyển động của cổ tay) vào năm 1988 với bộ chuyển động El Primero của Zenith với khả năng dự trữ năng lượng lâu. Thiết kế tổng thể của Daytona trở nên nam tính hơn với việc bổ sung gờ bảo vệ núm chỉnh giờ, vòng bezel dày hơn và có thêm những mặt đĩa phụ. Đây cũng là sản phẩm Daytona đầu tiên sử dụng tinh thể sapphire.
Trong khi bộ chuyển động El Primero của Zenith luôn nổi tiếng như một biểu tượng, thì Rolex lại được biết đến bởi những chiếc đồng hồ cao cấp với bộ máy calibre in-house cực kỳ chính xác. Sau 5 năm phát triển, công ty đã cho ra mắt phần bộ chuyển động 4130 vào năm 2000. Nó có thể dự trữ năng lượng lâu hơn (72 giờ thay vì 54 giờ), tăng hiệu quả lên dây, khả năng chống sốc tốt hơn… Không có gì ngạc nhiên khi nó là bộ chuyển động được chứng nhận COSC và được đưa vào tất cả các sản phẩm dòng Cosmograph Daytona.
Cùng với sự ca ngợi về Daytona, Rolex giới thiệu thêm nhiều những phiên bản biến thể mới bằng việc sử dụng các kim loại quý, kim cương thậm chí là dây đeo cao su… tuỳ theo yêu cầu của khách hàng. Gần đây, nhà sản xuất còn nâng cấp cơ chế đo tốc độ di chuyển trên một quãng đường ở vòng bezel bằng Cerachrom, chất liệu gốm cao cấp hoàn toàn chống xước và cực bền màu.
Phải mất một khoảng thời gian không nhỏ để Daytona có được vị trí xứng tầm, từ một sản phẩm bị chối bỏ trở thành một biểu tượng. Giờ đây vẫn có nhiều quan điểm cho rằng bước ngoặt của Daytona phần lớn nhờ vào sự may mắn. Dẫu có vậy thật thì Rolex vẫn kiên quyết khẳng định giá trị to lớn về chất lượng để giữ cho huyền thoại này sống mãi.
Bài: Charmian Leong
Chuyển ngữ: Nam Thi
End of content
No more pages to load