Đam mê siêu phức tạp

Crown có một buổi trò chuyện đầy thú vị với trưởng bộ phận High complication tại Hublot – một nghệ nhân tài năng đến từ Việt Nam và vẫn dành một tình yêu đặc biệt với quê hương của mình.

Với sự đầu tư mạnh mẽ từ Tập đoàn LVMH, Hublot nhanh chóng trở thành một trong những thương hiệu đồng hồ phát triển nhanh nhất thế giới, đồng thời xây dựng nhà máy mới tại Nyon (Thụy Sĩ), với nhiệm vụ tạo nên những cỗ máy được sản xuất khép kín (in-house). Một bộ phận cũng rất được chú trọng là High complication (Siêu phức tạp), được Hublot đầu tư nghiên cứu và phát triển nhằm tạo nên những cỗ máy với tính năng phức tạp. Điều thú vị là trưởng bộ phận này lại là một người gốc Việt - nghệ nhân Đoàn Chính.

Dễ dàng được nhận ra trong không gian rộng lớn của nhà máy với mái tóc hoa tiêu, vóc dáng nhỏ bé trong chiếc áo blouse trắng, khó có thể ngờ rằng người đàn ông này lại là người đứng đầu một trong những bộ phận quan trọng nhất của Hublot. Giờ đây ông cũng phải bay đi khắp nơi để đảm bảo kỹ thuật tại các sự kiện lớn của Hublot, đặc biệt chuẩn bị cho các cỗ máy in-house như Unico hay Meca ra mắt tại triển lãm đồng hồ Baselworld hàng năm.

Thật là tự hào khi chúng ta có một nghệ nhân gốc Việt làm việc trong một lĩnh vực “khó nhằn” nhất của ngành công nghiệp đồng hồ - sản xuất các complication. Cơ duyên nào đã đưa ông đến với ngành đồng hồ nói chung và các complication nói riêng?

Bạn biết đấy, sản xuất đồng hồ là đam mê của tôi. Khi tôi còn trẻ, tôi luôn mơ ước có thể tự tay mình tạo ra được những cỗ máy đếm giờ, nhất là những loại đồng hồ có high complication. Khi tôi tốt nghiệp chuyên ngành chế tạo đồng hồ, với quyết tâm của mình, tôi đã làm việc tại những xưởng chế tạo high complication ở nhiều công ty lớn.

Gia đình ông trước đó từng có ai theo đuổi niềm đam mê với đồng hồ, và liệu niềm đam mê này có tính “di truyền? Hãy kể cho chúng tôi hành trình đến với  thế giới của những cỗ máy đếm giờ của ông?

Trong gia đình tôi không có ai có hứng thú với ngành chế tạo đồng hồ, và tôi là người duy nhất. Khi 10 tuổi, tôi đã có đam mê dành cho đồng hồ đeo tay, nên khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bố tôi đã tạo cơ hội cho tôi tới Thũy Sĩ để theo học ngành này (năm 1972). Sau đó tôi mất 4 năm để hoàn thành việc học của mình. Sau khi tốt nghiệp, điều duy nhất tôi mong muốn là được làm việc cho những thương hiệu nổi tiếng như Rolex, Geral Genta, Chopard, Vacheron Constantin, Patek Philippe hay Hublot, và tôi đã làm được. 

Ông hẳn là phải rất yêu các complication. Vậy complication đầu tiên ông thực hiện là gì? Và ông mất bao lâu để hoàn thành nó?

Đúng vậy, tôi yêu thích và có đam mê dành cho những chiếc đồng hồ có các chức năng phức tạp. Và chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên tôi tạo ra là có chức năng lịch vạn niên và chronograph. Đó là chiếc đồng hồ yêu thích của tôi bởi vì chúng ta có thể sử dụng tất cả các chức năng của lịch hàng ngày và tôi đã mất gần một tuần để hoàn thành nó. 

High complication nào đối với ông là “khó nhằn” nhất hay gây thách thức với ông nhiều nhất? 

Một trong những chức năng phức tạp nhất đó là lịch vạn niên bởi tôi phải đồng bộ hóa tất cả các chức năng của lịch, và sau đó là chronograph. Đó là một thử thách lớn và khi tôi hoàn thành, tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc và tự hào vì đã tạo ra được công trình này. 

Ông có nghĩ một chiếc đồng hồ chứa nhiều high complication là điều thực sự cần thiết?

Không, tôi không nghĩ rằng những high complication tích hợp nhiều chức năng phức tạp là điều hữu ích cho việc sử dụng hàng ngày.

Hãy nói cho chúng tôi về BST đồng hồ của riêng ông? Ông có bao nhiêu chiếc? Chiếc yêu thích nhất của ông? Chiếc nào ngốn của ông nhiều tiền nhất? Và có chiếc nào khiến ông hối hận ngay sau khi mua không?

Là một nghệ nhân chế tạo và có đam mê đối với đồng hồ, tôi đã sưu tập đồng hồ từ rất nhiều năm trước, nhất là những chiếc đồng hồ phức tạp chứa chức năng lịch vạn niên và chronograph. Tôi chưa bao giờ hối hận sau khi mua một chiếc đồng hồ nào cả bởi vì tôi chỉ mua khi tôi thực sự yêu thích nó.

Ông nghĩ vì sao người ta có thể bỏ ra số tiền khổng lồ bằng cả gia tài để mua một chiếc đồng hồ?  

Tôi nghĩ là có hai lí do để chúng ta dành nhiều tiền như vậy cho một chiếc đồng hồ, thứ nhất là đam mê dành cho những cỗ máy cơ khí, và thứ hai là đầu tư cho tương dài dài hạn.

Ông từng làm việc cho rất nhiều tên tuổi đồng hồ lớn như Rolex, Vacheron Constantin, Patek Philippe và giờ là Hublot. Ông thấy đâu là mảnh đất phù hợp nhất để ông thoải mái thử nghiệm và phát triển tài năng của mình?

Hai công ty đã cho tôi cơ hội tuyệt vời nhất để phát triển kỹ năng và kiến thức của mình là Patek Philippe và Hublot

Có rất nhiều người bắt nguồn từ là một thợ sản xuất đồng hồ sau đó tách ra để thành lập thương hiệu đồng hồ của riêng mình. Liệu ông có ý định đó không?

Không, tôi không có ý định trở thành một nhà sản xuất đồng hồ độc lập bởi điều đó có nghĩa là tôi sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Tôi thích dành thời gian của mình cho gia đình hơn.

Ông đã bao giờ quay về Việt Nam với tư cách là một nghệ nhân đồng hồ? Ông nghĩ (nhớ) gì về quê hương mình? 

Có chứ, tôi đã trở về Hà Nội vài năm trước và tôi rất thích chuyến đi đó của mình. Tôi yêu đất nước và con người quê hương tôi. 

Ông có bao giờ từng nghĩ sẽ đóng góp vào một sản phẩm nào đó mang linh hồn Việt Nam chưa? Ví dụ như Speake Marin đã từng tạo nên chiếc đồng Dong Son tourbillon lấy cảm hứng từ trống đồng Đông Sơn của Việt Nam chẳng hạn, rất ấn tượng!

Có chứ, tôi luôn suy nghĩ về ý tưởng đó, tuy nhiên nó không phải một điều có thể dễ dàng thực hiện. Nhưng tôi nghĩ rằng đó là một điều có thể làm được. 

Cảm ơn những chia sẻ thú vị của ông!

Thực hiện: Mai Lan


End of content

No more pages to load

Newsletter

Our Network

Information

Follow Us